Tham dự Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng được tổ chức tại Paris, Pháp, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam là một trong 200 khách mời danh dự, góp phần kết nối những người Việt xuất sắc trên thế giới, để cùng hướng trái tim và trí óc về Việt Nam.
Cũng trong dịp này, NTK trình diễn 2 BST mới nhất tại kinh đô ánh sáng Paris mang tên “12 Mùa hoa” và “Tranh Đông Hồ”.
Đạo diễn Quang Tú là người đảm nhiệm vai trò casting người mẫu và đạo diễn cho show diễn đặc biệt này. Anh đã có cuộc trò chuyện chia sẻ những trải nghiệm thú vị về show diễn cùng Dân trí.
Đạo diễn Quang Tú, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam và bà Marie Myriam Larriere Giám đốc Tạp chí New York - FGC cùng dàn mẫu tham gia trình diễn.
Anh có ấn tượng như thế nào trong quá trình casting người mẫu cho BST áo dài trên đất Pháp?
Các chương trình thời trang, việc tuyển chọn casting người mẫu là một trong những công việc cần thiết trước khi thực hiện chương trình.
Đạo diễn Quang Tú và NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam trong quá trình casting người mẫu.
Với các người mẫu nước ngoài, khi tới casting, họ chú trọng tới trang phục mặc bó sát, trang điểm nhẹ, tóc để thẳng và mang theo một chiếc túi hoặc vali nhỏ, bên trong để sẵn một số trang phục, phụ kiện thời trang bổ sung khi được yêu cầu.
Họ tới rất đúng giờ, nghiêm túc khi làm việc và luôn thể hiện tinh thần vui vẻ, hào hứng ngay cả khi không được lựa chọn trình diễn.
Anh có thể kể về một trong số những người mẫu mà anh ấn tượng nhất?
Với các người mẫu nước ngoài, khi tới casting, họ chú trọng tới trang phục mặc bó sát, trang điểm nhẹ, và mang theo một số trang phục, phụ kiện thời trang.
Trong show diễn lần này, có 12 người mẫu được lựa chọn trình diễn gồm 7 người mẫu Pháp và 5 người mẫu đến từ các nước Đông Âu, Nga, Hà Lan… Tất cả đều là những người mẫu chuyên nghiệp. Độ tuổi trung bình 19 tuổi, chiều cao từ 1m74 trở lên, một số chỉ giao tiếp được bằng tiếng Anh.
Thông thường, các người mẫu sau khi thử trang phục, được trang điểm, tạo kiểu tóc xong, họ sẽ ở trong khu vực riêng và chờ đợi tới giờ diễn. Có một cô người mẫu, tên là Charlotte Eyd, tiến tới quan sát rất kỹ từng bộ trang phục, liên tục hỏi và chăm chú lắng nghe những lời giới thiệu về hình ảnh tranh Đông Hồ, cảnh sắc thiên nhiên được in, thêu, đính trên tà áo dài và một số câu chuyện về con người Việt Nam.
Sau đó, cô ấy giới thiệu kỹ hơn về gia đình, tôi và ê-kíp thật bất ngờ. Cô có mẹ là người Việt Nam, cha người Đức. Cô được sinh ra, lớn lên, học tập, làm việc tại Paris.
Cô chưa từng về Việt Nam, và ngày hôm nay, cô ấy vô cùng thích thú, hạnh phúc khi được trình diễn áo dài, hiểu thêm về văn hoá truyền thống và gặp gỡ trực tiếp những người Việt Nam.
Đạo diễn Quang Tú và người mẫu Charlotte Edy có mẹ người Việt.
Vừa kết thúc Tuần lễ thời trang vô cùng tất bật, anh có bao lâu để chuẩn bị cho chuyến đi Pháp và đã huy động bao nhiêu nhân sự hỗ trợ trong chuyến đi này?
Tôi phụ trách dàn dựng cho 02 BST áo dài: Tranh Đông Hồ & 12 Mùa Hoa của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam tại Trung tâm Unesco, Paris. Không tính các thành viên của Đoàn Nghệ Thuật Việt Nam, tổng số nhân sự thực hiện riêng cho hai phần thời trang là 30 người: gồm 10 người Việt Nam, 12 người mẫu quốc tế và 08 thành viên trang điểm, làm tóc người Pháp.
NSND Lê Khanh (áo dài xanh) là MC dẫn trong chương trình show diễn lần này của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam tại Pháp.
Có điều gì, ấn tượng gì từ Tuần lễ thời trang Việt Nam được anh đúc rút và vận dụng trong chuyến đi Pháp lần này?
Tuần lễ thời trang Việt Nam là một chương trình theo sát với “tốc độ phát triển” của thời trang thế giới, quy tụ nhiều nhà thiết kế tài năng trong nước. Tính ứng dụng của các bộ trang phục rất đa dạng, phù hợp nhu cầu sử dụng thực tế…
Điều đó chứng tỏ thời trang Việt Nam đang chủ động phát triển và hội nhập. Và đó chính là điều tôi vận dụng trong chuyến đi Pháp “Chủ động hội nhập hướng tới thành công”.
Hai BST mang tên “12 Mùa hoa” và “Tranh Đông Hồ” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã được trình diễn bởi các người mẫu quốc tế xinh đẹp tại trụ sở chính của UNESCO.
Nếu như sàn diễn của Tuần lễ thời trang Việt Nam là không gian ngoài trời thì BST ở Pháp là sân khấu trong nhà. Hai sân khấu thời trang này tạo ra sự khác biệt như thế nào đối với quá trình trình diễn của người mẫu. Anh đòi hỏi ở người mẫu điều gì?
Sự khác biệt rất lớn, phụ thuộc vào quy mô và mục đích của nhà tổ chức. Do vậy mỗi một chương trình sẽ có chủ đề và những yêu cầu khác nhau về địa điểm tổ chức, không gian sân khấu… Tương tự việc trình diễn của người mẫu, họ phải nắm bắt và tuân thủ ý đồ của ekip dàn dựng.
Tôi đòi hỏi người mẫu sự tập trung, thần thái trình diễn phải thể hiện đúng ý tưởng sáng tạo BST của nhà thiết kế cũng như nội dung kịch bản chương trình.
Đạo diễn Quang Tú hướng dẫn các người mẫu tạo dáng phù hợp với tinh thần của BST mang đậm dấu ấn Việt.
Việc chuyển động cơ thể của các người mẫu phương Tây có gặp khó khăn gì khi khớp với các ca khúc mang âm hưởng Việt Nam?
Chỉ có chút bỡ ngỡ ban đầu khi tôi yêu cầu các người mẫu chú trọng thần thái trình diễn thể hiện đậm nét tinh thần của áo dài Việt: thanh lịch, duyên dáng, uyển chuyển mà vẫn giữ được nét “cá tính Tây” hiện đại của họ.
Với BST tranh Đông Hồ, trên nền nhạc của bài “Bonjour Vietnam”, các người mẫu Pháp không chỉ trình diễn catwalk mà họ còn phải phối hợp động tác ăn ý, khớp nhịp nhạc với các diễn viên múa, ca sĩ, ban nhạc dân tộc đến từ Việt Nam.
Với BST 12 Mùa Hoa, là những bước đi thanh thoát và động tác mềm mại với nón lá trên nền nhạc du dương, bài hát “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Những thiết kế áo dài cách điệu cùng màu sắc rực rỡ tôn vinh nét đẹp người phụ nữ. Nếu như trước đây quan niệm áo dài chỉ dành cho phụ nữ Á đông, thì với những thiết kế của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam quan niệm này đã thay đổi.
Khán giả quốc tế đã nhận xét như thế nào về phần trình diễn BST áo dài?
Gần 1.000 khán giả tại khán phòng đều hết sức ngỡ ngàng thán phục khi lần lượt thưởng thức vẻ đẹp của những bức tranh Đông Hồ, “hương thơm, cảnh sắc” của 12 sắc hoa, 12 tháng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp Hà Nội được cách điệu tinh tế trên tà áo dài.
Nhiều khán giả Việt Nam tại Pháp chia sẻ cảm xúc rằng, họ như được sống lại với tình yêu, với nỗi nhớ dịu dàng về vẻ đẹp của Hà Nội - Việt Nam, về những vẻ đẹp của truyền thống, quý phái, thanh cao mà đoan trang của người phụ nữ Việt.
Có thể nói, anh đã có sự gắn bó với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam lâu năm. Anh cảm thấy như thế nào khi được nhận xét là người đứng đằng sau những dấu ấn của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam trong các sự kiện thời trang quốc tế?
Tôi có cơ hội làm việc với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam trong những năm qua và rất tự hào khi cùng đồng hành với anh giới thiệu văn hoá truyền thống Việt Nam thông qua tà áo dài tới những khán giả tại Pháp, Châu Âu và những người yêu thích tà áo dài trên toàn thế giới.
Được biết, đây không phải lần đầu đạo diễn đặt chân đến Pháp. Nước Pháp nói chung, Paris nói riêng mang đến cho anh những câu chuyện thời trang, cảm xúc khác biệt như thế nào qua mỗi chuyến đi.
Paris để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc, ấn tượng sâu đậm, tốt đẹp. Mỗi một lần tới Pháp, tôi lại được học hỏi nhiều hơn: Văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật, thời trang…
Đi để học. Học để đi. Đi để trưởng thành hơn và đóng góp những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Hình ảnh áo dài Việt trên đất Pháp mang đến niềm tự hào cho người yêu thời trang Việt.