[phunuvietnam.vn] - Tái hiện cuộc sống thường nhật của gia đình Việt
Tác giảAdministrator

Tổng đạo diễn Quang Tú cho biết, trong đêm trình diễn Lễ hội Áo dài 2016, anh sẽ để các người mẫu tái hiện cuộc sống thường nhật của một gia đình Việt trong tà áo dài truyền thống bên cạnh những màn trình diễn catwalk chuyên nghiệp.

Anh sẽ kể một câu chuyện về gia đình thông qua các tà áo dài?

Đúng vậy. Câu chuyện về áo dài là câu chuyện kể không bao giờ chấm dứt được bởi giá trị lịch sử của chiếc áo dài đã tạo ra những giá trị nối tiếp cho thời đại và góp phần trong việc xây dựng và tạo ra những giá trị mới, tinh thần mới cho chiếc áo dài Việt Nam.

Với Lễ Hội Áo dài 2016, nội dung chúng tôi xây dựng xoay quanh câu chuyện của một gia đình mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam, nơi có những mối quan hệ, những hành động, sinh hoạt thường ngày, những bài học đạo đức, đối nhân xử thế của các thành viên: Ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, con, cháu… Và hình ảnh chính, chiếc áo dài sẽ được sử dụng xuyên suốt trong chương trình để tôn vinh những bản sắc truyền thống này.

Anh đã sử dụng các kỹ thuật, hiệu ứng như thế nào để kể câu chuyện ấy một cách triệt để mà không làm mất đi sự tôn nghiêm của Văn Miếu-Quốc Tử Giám?

Trong đêm trình diễn, toàn bộ không gian của Văn Miếu sẽ bừng sáng bởi hàng trăm cây đèn lồng được các nghệ nhân của kinh thành Huế thực hiện. Sân khấu cũng vô cùng lãng mạn với tạo hình của những cây nến lung linh. Khán giả cũng sẽ được chiêm ngưỡng các bức tranh của các cháu thiếu nhi và thưởng thức những giai điệu âm nhạc dân tộc.

Anh đã làm thế nào để kết nối các bộ sưu tập đa dạng, đa phong cách để không bị gượng ép, khiên cưỡng?

Mỗi đạo diễn sẽ có cách xử lý riêng cho kịch bản hấp dẫn gồm bài trí không gian, ánh sáng, tiết tấu , chuyển cảnh…  Tôi chỉ có thể bật mí một chút về nội dung kịch bản: NTK Lan Hương với Hoa hồng nồng nàn, NTK Hùng Việt với Hoa Sứ tượng trưng cho sự tinh khiết và sự khởi đầu mới… Lần lượt, tất cả BST của các NTK sẽ được xuất hiện thông qua những bối cảnh bài trí sống động của đồ gỗ quý Đồng Kỵ, những hoạt cảnh có diễn xuất tự nhiên của các nhân vật đặc biệt cùng những bước trình diễn của các người mẫu chuyên nghiệp.

Một mẫu trong bộ sưu tập hoa Lily của nhà thiết kế Minh Hạnh

Điều đặc biệt anh sẽ mang đến trong chương trình lần này là gì?

Đó là ý nghĩa nhân văn của chiếc áo dài diễn ra trong những gia đình Việt mong muốn gìn giữ giá trị cốt lõi của gia phong, tạo ra những giá trị tiếp biến của bản sắc Việt nam. Cụ thể điều khiến khán giả bùng nổ là gì thì hãy để chính họ cảm nhận.

Khi biết thông tin Lễ hội Áo dài sẽ được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một số độc giả cho rằng không nên tổ chức rầm rộ gì ở nơi tôn nghiêm ấy. Anh nghĩ sao về ý kiến này ?

Câu chuyện về Áo dài là câu chuyện kể không bao giờ chấm dứt bởi giá trị lịch sử của chiếc áo dài đã tạo ra những giá trị nối tiếp cho thời đại và góp phần trong việc xây dựng và tạo ra những giá trị mới, tinh thần mới cho chiếc áo dài Việt nam. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một biểu tượng Văn Hoá linh thiêng của đất nước. Do đó chúng tôi chọn Văn Miếu – Quốc Tử Giám làm nơi trình diễn.

Làm một chương trình đậm nét truyền thống và quy tụ khá nhiều nhà thiết kế tên tuổi như thế này anh có áp lực nhiều?

Không chỉ tôi mà toàn bộ BTC, NTK, các ekip thực hiện chương trình này đều áp lực theo nhiều góc độ khác nhau. Nhưng áp lực chung nhất là làm sao phải đạt được thành công hơn Lễ Hội Áo dài lần trước.

Chúng tôi đã mất nhiều thời gian, trí lực để cùng trao đổi, sáng tạo, chia sẻ những nôi dung làm thế nào thể hiện được chuẩn xác những ý tưởng thiết kế BST, sân khấu, phong cách trình diễn,  những tình tiết để hấp dẫn, tạo ấn tượng cho khán giả…

Các công đoạn: Từ ý tưởng đến đưa vào thực tế phải trải qua rất nhiều công đoạn, chỉnh sửa mới hoàn chỉnh. Nhưng tất cả chúng tôi đã vượt qua và đang hướng tới một Lễ Hội Áo Dài 2016 thành công.  

Đạo diễn Quang Tú sinh năm 1979. Anh từng là người mẫu, ông bầu của các người mẫu trước khi chuyển sang làm đạo diễn.

Lễ hội Áo dài 2016 năm nay có chủ đề “Áo dài của chúng ta”. Lễ hội diễn ra vào 20h ngày 4/3 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Chương trình do Đài truyền hình Hà Nội, Báo Phụ nữ Việt Nam và Báo Dân trí tổ chức.

Lễ hội áo dài năm nay có sự tham gia của 19 nhà thiết kế từ 3 miền Bắc-Trung-Nam, trong đó có những cái tên đã rất quen thuộc: Minh Hạnh, Lan Hương, Hà Duy, Ngọc Hân, Chula.

Ngoài ra còn các nhà thiết kế khác, gồm: Cao Minh Tiến, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Đức Hải, Duyên Hương, Hùng Việt, Minh Minh, Quang Huy, Thương Huyền, Việt Hà, Viết Bảo, Xuân Hảo, Nhi Hoàng, Phương Thanh và các nhà thiết kế của thương hiệu GenViet Jeans.

Người mẫu của Lễ hội Áo dài 2016 không chỉ là những người mẫu chuyên nghiệp mà còn có cả những nghệ sĩ gạo cội, các vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Việt Nam như: NSND Như Quỳnh, NSND Minh Châu, NSND Ngọc Lan, NSND Trà Giang, NSƯT Thanh Tú, Đại sứ Ý tại Việt Nam Cecilia Piccioni...

 

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/tai-hien-cuoc-song-thuong-nhat-cua-gia-dinh-viet-5892.htm